Chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023)


ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG


Cập nhật 02/03/2023 Lượt xem 814

Ngôi đình nằm về phía Đông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh; cách quốc lộ 1A chưa đầy 1 km về phía Đông và cách đường 75B khoảng 800m về phía Bắc. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QĐ-BVHTT ngày 25 tháng 1 năm 1991.

Đình tọa lạc trên một khu đất rộng với tổng diện tích là 8.450m2. Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 miếu thờ 4 vị thần: Miếu thờ Thành Hoàng, miếu thờ ông Lê Hiếu (người có công lớn lao trong việc bảo vệ sổ bộ của làng) và hai miếu thờ hai vị khai khẩn họ Lê, họ Nguyễn. Trước đình là khu đất nguyên trước đây là chợ Cầu, được lập vào năm Canh Tỵ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1667). Nay chợ đã chuyển sang vị trí khác.

Căn cứ vào một bản Hán văn có tên là Lịch đại sự tích được phụng sao vào năm 1948 hiện còn giữ ở làng thì ngôi đình có niên đại khởi tạo vào năm Chính Hòa thứ 11 (1690). Đến năm Thành Thái thứ 15 (1903), ngôi đình được đại trùng tu và xây mới một số công trình khác  như: Cổng, hệ thống tường thành, hệ thống nữ tường của tiền đình… Trong lần trùng tu này, một phần khá lớn các bộ phận trong khung gỗ chịu áp lực đã được thay thế nhưng nhìn chung cấu trúc bộ khung gỗ vẫn cơ bản được giữ nguyên như trong lần khởi tạo.

(Ảnh nguồn: http://thegioidisan.vn/)

Toàn bộ kiến trúc tòa đại đình hiện còn có sự phân bố mặt bằng khác biệt so với các ngôi đình ở miền Bắc và các ngôi đình miền Trung được khởi tạo muộn ở các thế kỷ XVIII-XIX. Mặt bằng đại đình bố trí theo chiều dọc, mặt tiền mở ra từ gian chái, cửa chính quay về phía hướng Đông. Cấu trúc khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, hai chái, phân bố theo 6 hàng cột như vẫn thường thấy ở kiến trúc cổ vùng đồng bằng Trị - Thiên. Kết cấu kiểu vài theo hình dạng vài chuồng – cột nóc. Bên trên có rầm thượng thượng được lát ván gỗ. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc gỗ trong nội thất khá đơn giản, chủ yếu tập trung trên các cầu điếu, kèo cù, diềm vọng. Chi tiết trang trí gồm tam sơn, mây mác, dơi ngậm kim tiền… trên  bộ mái lợp ngói liệt, mái thẳng, độ dốc vừa phải; bờ nóc, bờ quyết, đầu đao gắn các mảng trang trí rồng chầu nguyệt, giao hồi văn, giao lá bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Riêng phần chái trước vì trở thành mặt tiền của ngôi đình nên được gia cố về kỹ thuật cũng như thể hiện trang trí khá công phu.Ở trên tam giác đầu hồi của bộ mái được gắn một mảng trang trí được tạo dáng thành một một bức cuốn thư đắp bằng gạch và vữa vôi. Phía dưới là một đường diềm đè mái chạy dài từ bên này sang bên kia. Bức cuốn thư là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí với sự có mặt đầy đủ của bộ tư linh: Long, ly, quy, phượng cùng với bát bửu, hoa lá, thảo mộc,… bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ.

Không gian bên trong ngôi đình được phân thành hai phần: phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống; phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian của trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự. Tiền đường là không gian gần như để mở, thông thoái với bên ngoài, chỉ có hệ thống nữ tường thấp xây bằng gạch vây quanh ở 3 phía. Hậu liêu được xây kín bởi tường gạch ở 3 phía. Ngăn cách giữa hai phần là hệ thống cửa bản khoa dạng thượng song hạ bản được dựng thay cho đố bảng.

Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan ngăn khuôn viên của đình với khu vực chợ Cầu. Cổng xây hình vòm cuốn có hai tầng mái, ở giữa có đường cổ diêm giả, bộ mái đắp vữa. Trang trí rất công phu bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ với nhiều loại mô típ hoa văn thể hiện khá thành thạo tài năng của những nghệ nhân dân gian. Các ngôi miếu là nơi thờ Thành hoàng, hai vị khai khẩn họ Lê và họ Nguyễn; một miếu thờ vị con cả họ Lê và một miếu xóm. Tất cả được cấu trúc theo kiểu nhà rường 4 cột nhưng dưới dạng nhà sàn, gác lững, xung quanh được bao kín bằng vách gỗ chỉ mở 2 cánh cửa ở phía trước. Kiến trúc đình làng Hà Thượng là kiến trúc tiêu biểu của đình làng Quảng Trị giai đoạn đầu (thế kỷ XVI-XVIII).

Không gian sinh hoạt lễ hội của đình làng Hà Thượng cũng rất điển hình. Trước mặt đình là khu chợ Cầu – nơi trao đổi hàng hóa và mua bán khá sầm uất một thời của vùng Gio Linh/ Quảng Trị dưới các thế kỷ XVII-XVIII. Những năm sau giải phóng, chợ Cầu được chuyển lên phía Tây, cạnh quốc lộ 1. Trước đây, hàng năm vào tháng 6 AL, dân làng Hà Thượng và nhiều nơi trong vùng tập trung tại đình và khu vực chợ để dự ngày hội làng, tục gọi là lễ Cảnh quân. Ngày nay gọi là lễ Đại tự cầu an, Thời gian tổ chức hội làng trong vòng 3 ngày. Nội dung của lễ là nghinh rước các vị thần từ các nơi về đình để tế lễ. Nội dung của hội bao gồm bao gồm các trò diễn như: múa náo, múa chậu, múa long hổ, múa lân, đốt pháo cây, thi vật, thi kéo co, thi chọi gà,.,

(Ảnh nguồn: http://www.didulich.net/)

Vượt lên trên những giá trị văn hóa , nghệ thuật của một ngôi đình làng, tại đây, trong giai đoạn tiền cách mạng từng là trung tâm dấy nghĩa của một bộ phận dân chúng và sĩ phu yêu nước đứng đầu là Nguyễn Tự Như và Trương Đình Hội hướng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Nhóm nghĩa quân này đã hoạt động tích cực một thời, gây nhiều tiếng vang trong dân chúng và từng làm cho thực dân Pháp nhiều phen kinh hoàng.

Ngày 01/2/1932, tại đình làng Hà Thượng, Chi bộ chợ Cầu – một chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Gio Linh được thành lập, mở ra một thời kỳ cách mạng mới cho quần chúng nhân dân đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Trên phần đất thiêng liêng này, trong phong trào “Tố cộng, diệt cộng” năm 1947 từng trở thành một nhà giam, một bãi hành quyết đối với nhiều cán bộ cách mạng và quần chúng nhân dân yêu nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đình Hà Thượng cũng là nơi ghi nhận nhiều chiến công oanh liệt của quân giải phóng.

Sau năm 1994, đình Hà Thượng bị xuống cấp nghiêm trọng. Tòa đại đình có nguy cơ sụt đổ. Từ năm 1995-1996, được sự quan tâm của Bộ VHTT trong chương trình chống xuống cấp di tích, đình Hà Thượng được trùng tu. Tuy nhiên, do không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng lại hạn chế về trình độ kỹ thuật và thiếu hụt về kinh phí nên việc trùng tu không chỉ đảm bảo giữ gìn các yếu tố gốc mà còn phá hóa khá nhiều các chi tiết trang trí, nhất là bức cuốn thư ở đầu hồi. Đến nay, đình Hà Thượng vẫn chưa có một kế hoạch tôn tạo khả dĩ để trả lại những gì vốn có của một trong trình kiến trúc đình làng cổ nhất Quảng Trị.

(Nguồn: Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Trị)
Đến vị trí này


02/03/2023
CĂN CỨ QUÁN NGANG

Căn cứ Quán Ngang được xây dựng trên một khu đất khá bằng phẳng có diện tích hơn 1km2....


02/03/2023
BẾN ĐÒ MAI XÁ

Bến đò Mai Xá nằm ở bờ Bắc sông Hiếu,thuộc thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh;...


02/03/2023
CẦU TREO BẾN TẮT

Cầu bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, nằm trên trục đường 15, thuộc địa phận của xã...


02/03/2023
CHIẾN THẮNG NAM ĐÔNG - ĐƯỜNG 74

Địa điểm này nằm trên ranh giới hai xã Gio Hòa và Gio Sơn, huyện Gio Linh; cách nông...


02/03/2023
CĂN CỨ DỐC MIẾU- CỒN TIÊN

Đây là tên của hai cứ điểm quân sự mạnh trong tuyến phòng thủ chiến lược mang tên Hàng...


  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: HUYỆN ĐOÀN GIO LINH

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


Huyện Đoàn Gio Linh, 281 Lê Duẩn, TT Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: 0533.825.446
- Email: huyendoangiolinh@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
178

Tổng truy cập
Tổng truy cập
1,552,151