Cầu
bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, nằm trên trục đường 15, thuộc địa phận của
xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hơn 40m về phía Tây
bắc; cách thị trấn huyện lỵ Gio Linh theo tỉnh lộ 75 và quốc lộ 14 chừng 16km về phía Tây bắc.
Sông
Bến Hải là đường ranh giới trên vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền Nam - Bắc từ sau
Hiệp định Genève (1954). Từ khi tuyến vận tải chiến lược 559 được hình thành và
nhất là khi hệ thống các tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới được mở ra thì ở
phía thượng nguồn Bến Hải có nhiều điểm vượt sông bằng các đường ngầm.
Sau
khi Hiệp định Paris ký kết, đại bộ phận đất đai tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới thuận
lợi hơn. Yêu cầu chiến trường đòi hỏi tuyến vận tải 559 phải đẩy mạnh nhịp độ
hoạt động nhằm đảm bảo tốt hơn nữa công tác hậu cần, chuẩn bị cho những hoạt
động lớn của quân giải phóng trên khắp các chiến trường miền Nam.
(Ảnh nguồn: https://addflag.com/)
Quán triệt tư tưởng đó, mùa
hè năm 1973, Binh đoàn Trường Sơn xúc tiến xây dựng mới một số tuyến đường, cầu
cống để mở
rộng mạng lưới hệ thống đường Hồ Chí Minh trên một số vùng thuộc Đông Trường
Sơn, nhất là ở địa bàn vừa được giải phóng như Quảng Trị nhằm tạo điều kiện để
đẩy nhanh tiến độ vận chuyển lương thực, hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền
Nam. Trung đoàn 99 Công binh được lệnh thi công cầu treo Bến Tắt trên trục
đường 15 nối tuyến đường từ Vĩnh Hà (Vĩnh Linh) vào Cam Lộ, thay thế cho điểm
vượt thượng nguồn sông Bến Hải bằng ngầm Bến Tắt trước kia. Cầu có chiều dài
50m, rộng 6m; hai mố cầu được đúc bằng bê tông cốt thép với 2 khung sắt cở lớn
dựng đứng được liên kết bởi 8 đường dây cáp treo. Nền cầu lát bê tông nhựa, hai
bên lát gỗ...Tháng 11 năm 1973, cầu được thông
xe và đưa vào vận hành, khai thác.
Trong
suốt năm 1974 và nửa năm 1975, nhờ chiếc cầu này, nhịp độ vận chuyển qua tuyến đường 15 tăng lên vượt
bậc. Cầu treo Bến Tắt đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa nhanh hàng hóa, vũ khí
và cơ động lực lượng vào tham gia chiến dịch tấn công, nổi dậy mùa xuân năm
1975. Trong đó trực tiếp nhất là chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiến dịch 711
giải phóng Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên. Đây là hướng quan trọng để tiến lên giải
phóng Huế - Đà Nẵng và đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
(Ảnh nguồn:facebook QUANGTRIQUETUI7474)
Di tích Cấu treo Bến Tắt dã được Bộ VHTT xếp hạng Quốc gia theo Quyết
định số 236/QĐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 và nằm trong hệ thống di tích Đường
Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị; hiện dang được đặt dưới sự quản lý
của ngành giao thông. Trước những năm thuộc thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, do
không thuộc tuyến đường trọng yếu nên không được bảo dưỡng, duy tu làm cho cầu
bị hư hỏng nặng, nhất là phần mặt đường và hệ thống cáp treo. Những năm gần
đây, ngành giao thông đã có những biện pháp tích cực. Hiện cầu treo Bến Tắt là
một trong những chiếc cầu nằm trên tuyến đường Trường Sơn công nghiệp hóa đang
được gấp rút triển khai xây dựng. Hy vọng dự án này sẽ có kế hoạch xử lý tốt để
vừa bảo tồn một di tích lịch sử thuộc tuyến vận tải chiến lược đã từng có những
đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước vừa thực hiện thành công con đường chiến lược để phát triển kinh tế
xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Nguồn: Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị)