Bến đò Mai Xá nằm ở bờ Bắc sông Hiếu,thuộc thôn
Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh; cách trụ sở UBND xã chừng 1,5km về phía
Nam; cách đường xuyên á từ Đông Hà về Cửa Việt chừng hơn 500m về phía Bắc.
Đây vốn là một bến đò nằm ở điểm giao nhau giữa
một nhánh sông có tên là sông Cánh Hòm và một nhánh sông phụ của sông Thạch Hãn
gọi là sông Cái với sông Hiếu và cũng nằm gần sát với điểm giao của sông Thạch
Hãn. Nguyên xưa, khu vực giao thủy này đã là một cảng sông khá nhộn nhịp trên
bến dưới thuyền mà sử cũ gọi là cảng Mai Xá. Bến đò Mai Xá là một trong những
đầu mối giao thông quan trọng từ xưa của nhân dân hai bên bờ và cũng là bến
thuyền cho những chuyến đò dọc làm nhiệm vụ chở khách và hàng hóa trên mạng
đường sông Hiếu,Thạch Hãn, Cánh Hòm.
(Ảnh nguồn: https://bazantravel.com/)
Nơi đây trong những kháng chiến chống Mỹ ác
liệt, ngoài việc đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân hai vùng Gio Linh và
Triệu Phong thì bến đò Mai Xá còn là điểm bí mật đưa đón cán bộ vào hoạt động,
gây dựng cơ sở ở các xã vùng đồng bằng Triệu Phong và Hải Lăng.
Đặc biệt, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị
năm 1972, khi quốc lộ 1A và những tuyến đường phía Tây (kể cả những đường qua
sông Hiếu) bị địch huy động lực lượng phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn
chặn sự chi viện của quân giải phóng cho chiến trường miền Nam thì bến đò Mai
Xá là một điểm tập kết, hàng hóa, vũ khí, đạn dược để chuyển vào chiến trường
Nam Quảng Trị trong suốt mùa hè năm 1972. Tại bến đò Mai Xá, các nhu yếu phẩm,
lương thực, vũ khí sau khi được tập kết từ hậu phương và vùng giải phóng đã
được đưa lên các thuyền máy để vận chuyển theo đường sông Thạch Hãn vào thị xã
Quảng Trị và các điểm chốt của quân giải phóng. Nhân dân Gio Mai đã cùng với
các đơn vị vận tải của bộ đội đã không quản nắng mưa, bom đạn vừa vận chuyển
vừa chiến đấu để bảo vệ hàng hóa; góp phần tích cực vào việc đảm bảo đường dây
tiếp tế cho bộ đội chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ trong 81 ngày
đêm ác liệt.Đây là một bến đò để lại những dấu ấn sâu đậm trong ký ức người dân
Quảng Trị về những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gian khổ, hy sinh nhưng rất
đổi hào hùng.
(Nguồn: Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị)