I. MÔ HÌNH KINH TẾ “TỔ HỢP TÁC”
1. Khái niệm: Tổ hợp tác là một mô hình được hình thành trên cơ sở hợp đồng, hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi;
- Biểu quyết theo đa số;
- Tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên.
2. Trình tự thành lập tổ hợp tác:
Bước 1: Xác định nhu cầu thành lập tổ hợp tác
- Việc thành lập tổ hợp tác phải xuất phát từ nhu cầu, đem lại lợi ích chính đáng cho các thành viên;
- Xác định sản phẩm, dịch vụ cần hợp tác và đối tượng tham gia;
- Dự kiến quy mô hợp lý để làm cơ sở mời các cá nhân (hoặc hộ gia đình) tham gia;
- Cân nhắc những thuận lợi, khó khăn, tính khả thi, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác.
Bước 2: Công tác chuẩn bị
Trên cơ sở nhu cầu về lợi ích, tổ hợp tác do các cá nhân đứng ra tự tổ chức. Trước khi thành lập, các thành viên thảo luận và thống nhất các nội dung chủ yếu sau:
a. Mục đích và kế hoạch hoạt động: Xác định sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, quy mô, công nghệ, nguồn vốn...
b. Nội dung hợp đồng hợp tác: Hợp đồng hợp tác là thỏa thuận bằng văn bản giữa các tổ viên, có tên gọi là Hợp đồng hợp tác hoặc tên gọi khác, nội dung chủ yếu gồm:
- Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác;
- Họ, tên, nơi cư trú, chữ ký của tổ trưởng và các tổ viên;
- Tài sản đóng góp (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên;
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ viên, của tổ trưởng, ban điều hành (nếu có), thư ký tổ để thực hiện công việc ghi chép (thường chọn người am hiểu về kế toán, sổ sách,...) họp và bàn phương thức hoạt động;
- Điều kiện kết nạp tổ viên mới và tổ viên ra khỏi tổ hợp tác;
- Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác;
- Các thỏa thuận khác.
Nội dung hợp đồng hợp tác có thể được sửa đổi, bổ sung khi được sự đồng ý của đa số tổ viên.
c. Tên, biểu tượng (nếu có) của tổ hợp tác: Tổ hợp tác có quyền chọn tên và biểu tượng của mình phù hợp với quy định của pháp luật và không trùng lặp với tên, biểu tượng của tổ hợp tác khác trong phạm vi xã, phường, thị trấn.
d. Xác lập danh sách tổ viên;
đ. Bầu tổ trưởng, ban điều hành (nếu thấy cần thiết);
e. Các vấn đề liên quan khác.
Bước 3: Tiến hành thành lập tổ hợp tác
Đại diện của tổ hợp tác làm thủ tục chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (ký xác nhận, đóng dấu) vào hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng hợp tác sửa đổi, bổ sung và ghi vào sổ theo dõi trong thời hạn 05 ngày ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hợp đồng hợp tác của tổ.
- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không chứng thực hợp đồng thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
- Trường hợp tổ hợp tác tổ chức và hoạt động với quy mô liên xã thì tổ có quyền lựa chọn nơi chứng thực hợp đồng hợp tác thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.
- Sau khi nhận được chứng thực hợp đồng hợp tác, tổ hợp tác có thể tổ chức lễ khai trương, ra mắt tổ hợp tác, công bố các chức danh đã được các tổ viên bầu ra.
3. Một số quy định liên quan đến tổ hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác:
a. Tổ viên:
- Cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện tham gia và tán thành các nội dung của hợp đồng hợp tác đều có thể trở thành tổ viên tổ viên tổ hợp tác. Một cá nhân có thể là thành viên của nhiều tổ hợp tác;
- Cá nhân có nhu cầu tham gia tổ hợp tác phải có đơn gửi tổ trưởng, trong đó nêu rõ nguyện vọng tham gia và cam kết thực hiện hợp đồng hợp tác của tổ; Hội nghị tổ viên xem xét, biểu quyết và công nhận tổ viên mới khi được đa số tổ viên đồng ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quyền của tổ viên:
- Có quyền ngang nhau trong việc tham gia quyết định các công việc của tổ hợp tác, không phụ thuộc vào mức độ đóng góp tài sản của mỗi tổ viên.
- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thỏa thuận;
- Thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác;
- Ra khỏi tổ hợp tác theo các điều kiện đã thỏa thuận;
- Các quyền khác theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác không trái với quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của tổ viên
- Thực hiện hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác;
- Bồi thường thiệt hại cho tổ hợp tác do lỗi của mình gây ra;
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của tổ viên khi ra khỏi tổ hợp tác
- Tổ viên khi ra khỏi tổ hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà mình đã đóng góp vào tổ hợp tác, được chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của tổ hợp tác, trừ tài sản không chia đã được thỏa thuận của đa số tổ viên. Nếu việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục hoạt động của tổ thì tài sản được quy ra trị giá bằng tiền để chia;
- Khi ra khỏi tổ hợp tác, tổ viên phải thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với tổ hợp tác theo thỏa thuận.
b. Tổ hợp tác
Quyền của tổ hợp tác
- Tổ hợp tác được lựa chọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, hoạt động không giới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi tổ hợp tác chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép hành nghề, hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc kinh doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để mở rộng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Được hưởng các chính sách hỗ trợ và tham gia xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
- Được mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo quy định của pháp luật và theo cơ chế người đại diện được ghi trong hợp đồng hợp tác.
- Được ký kết các hợp đồng dân sự.
- Quyết định việc phân phối hoa lợi, lợi tức và xử lý các khoản lỗ của tổ hợp tác.
- Các quyền khác được ghi trong hợp đồng hợp tác nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác
- Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác.
- Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.
- Thực hiện các thỏa thuận đã cam kết với các tổ viên, tổ chức và cá nhân khác.
- Thực hiện các trách nhiệm đối với người lao động do tổ hợp tác thuê theo quy định của pháp luật về lao động
- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Giải quyết tranh chấp
- Tranh chấp giữa các tổ viên tổ hợp tác trong phạm vi của hợp đồng hợp tác được điều hành hòa giải tại tổ hợp tác; trường hợp không hòa giải được thì tranh chấp đó được giải quyết thông qua cộng đồng thôn, bản, tổ hòa giải cấp xã hoặc khởi kiện ra tòa án.
- Tranh chấp giữa tổ hợp tác với các cá nhân, tổ chức khác thì tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chấm dứt tổ hợp tác
Tổ hợp tác chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;
- Mục đích của việc hợp tác đã đạt được;
- Các tổ viên thỏa thuận chấm dứt tổ hợp tác;
- Tổ hợp tác chấm dứt theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác phải thông báo bằng văn bản về chấm dứt hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp xã - nơi đã chứng thực hợp đồng hợp tác.
Khi chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ chung của tổ; nếu tài sản chung của tổ không đủ trang trải các khoản nợ thì lấy tài sản riêng của các tổ viên để thanh toán theo quy định. Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung của tổ vẫn còn thì tài sản còn lại được chia cho các tổ viên theo tỉ lệ tương ứng với giá trị tài sản góp vào tổ của mỗi tổ viên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
II. MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ THANH NIÊN LÀM KINH TẾ GIỎI
1. Mục đích
- Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi là tổ chức lập ra cho nhiều người tham gia sinh hoạt, trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, vốn, giống, thị trường tiêu thụ... dựa trên nhu cầu và khả năng của các cá nhân trong Câu lạc bộ. Câu lạc bộ có nhiều nội dung, hình thức hoạt động khác nhau dựa trên yếu tố lợi ích của tập thể và của từng thành viên.
- Tạo sự liên kết, phát huy sáng kiến, thế mạnh, tinh thần xung kích của các thành viên trong giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
- Thông qua Câu lạc bộ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm; hỗ trợ, giúp đỡ nhau nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
2. Các bước thành lập Câu lạc bộ
Bước 1: Ban Thường vụ Đoàn xã báo cáo, xin chủ trương của cấp ủy về việc thành lập Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi.
Bước 2: Thành lập Ban vận động xây dựng Câu lạc bộ.
- Sau khi cấp ủy đồng ý chủ trương, Đoàn xã tiến hành thành lập Ban vận động xây dựng Câu lạc bộ gồm những cán bộ, đoàn viên, thanh niên có khả năng, nhiệt tình.
- Ban vận động xây dựng kế hoạch, tiến độ vận động thành lập Câu lạc bộ.
Bước 3: Khảo sát, xác định nhu cầu.
- Lập danh sách đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tại địa phương.
- Tiến hành tìm hiểu, nắm bắt nguyện vọng của các hộ thanh niên làm kinh tế giỏi.
- Tham khảo ý kiến của các hộ sản xuất, kinh doanh, những chuyên gia, người có kinh nghiệm làm kinh tế trong và ngoài địa phương.
Bước 4: Xác lập danh sách, dự kiến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ.
- Chốt danh sách các thành viên tham gia Câu lạc bộ.
- Dự kiến cơ cấu và tổ chức nhân sự:
+ Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm hoặc Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (có thể 3 hoặc 5 người tùy theo quy mô và mức độ cần thiết), trong đó có 01 Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm hoặc các thành viên Ban Chủ nhiệm.
+ Thư ký.
+ Thủ quỹ (nếu lập quỹ)
- Xây dựng dự thảo nội dung, quy chế (tôn chỉ mục đích) và chương trình hoạt động của Câu lạc bộ:
+ Nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của Ban Chủ nhiệm, thư ký, kế toán, thủ quỹ và các thành viên khác.
+ Nội dung hoạt động, thời gian sinh hoạt định kỳ (nên định kỳ tối thiểu sinh hoạt 01 lần/tháng).
+ Cơ chế phối hợp của Câu lạc bộ với các đơn vị, tổ chức khác.
Bước 5: Quyết định thành lập Câu lạc bộ.
Sau khi Ban vận động đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, đề nghị Ban Thường vụ Đoàn xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ.
Bước 6: Tổ chức ra mắt Câu lạc bộ.
Việc tổ chức ra mắt Câu lạc bộ cần được tổ chức trang trọng (nên tổ chức tại hội trường của Ủy ban nhân dân xã); công tác tuyên truyền thông qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, truyền thanh của xã cần được tổ chức tốt để quảng bá mô hình Câu lạc bộ trong thanh niên và xã hội.
Các nội dung của lễ ra mắt Câu lạc bộ, gồm:
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Báo cáo quá trình vận động thành lập Câu lạc bộ.
- Công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ.
- Ra mắt Ban Chủ nhiệm.
- Phát biểu của Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
- Phát biểu cảm tưởng của đại diện thành viên Câu lạc bộ.
- Thông qua dự thảo quy chế, nội dung hoạt động của Câu lạc bộ.
- Phát biểu của đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Đoàn thanh niên địa phương.
- Kết thúc.
III. MÔ HÌNH KINH TẾ TRANG TRẠI
1. Khái niệm: Theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 về kinh tế trang trại của Chính phủ, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
2. Các bước tiến hành xây dựng trang trại:
Bước 1: Khảo sát, xác định đối tượng sản xuất kinh doanh
- Tìm hiểu, cân nhắc sự cần thiết của việc lập trang trại;
- Tiến hành tiếp xúc, thăm dò thị trường để xác định sản phẩm cung ứng, nhu cầu tiêu thụ, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tìm nguồn cung ứng thiết bị, vật tư cho sản xuất; xem xét khả năng về nguồn vốn đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư;
- Tiến hành điều tra, khảo sát và chọn địa điểm xây dựng;
Bước 2: Tính toán cụ thể, xác định khả thi
- Nghiên cứu sự cần thiết phải đầu tư, các điều kiện thuận lợi và khó khăn.
- Dự kiến quy mô đầu tư, hình thức đầu tư.
- Chọn khu vực địa điểm xây dựng và dự kiến nhu cầu sử dụng đất trên cơ sở giảm tới mức tối đa việc sử dụng đất và những ảnh hưởng về môi trường, xã hội (có phân tích, nhận định cụ thể).
- Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật (bao gồm cả cây trồng, vật nuôi nếu có) và các điều kiện cung cấp vật tư, thức ăn, giống, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng.
- Phân tích, lựa chọn sơ các phương án xây dựng.
- Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động các nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và trả nợ, thu lãi.
- Tính toán sơ bộ hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội.
Bước 3: Tiến hành thành lập trang trại
- Nhiệm vụ 1: Từ tính toán của bước 2, tiến hành lập dự án khả thi, báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu đã có sẵn đất của hộ gia đình/nhóm hộ gia đình), hoặc cho thuê và đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất hiện có của địa phương.
- Nhiệm vụ 2: Tiến hành đầu tư: Sau khi tính toán, phân tích và xác định tính khả thi của việc lập trang trại, chủ trang trại tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị giống, thức ăn, các trang thiết bị cần thiết khác phục vụ sản xuất kinh doanh. Thời gian để hoàn thành trang trại theo tính toán về quy mô có thể chia thành nhiều giai đoạn, theo cách thức khác nhau:
Phương án 1: Xây dựng trang trại ở các giai đoạn:
- Giai đoạn quy mô nhỏ.
- Giai đoạn quy mô vừa.
- Giai đoạn quy mô lớn.
Ưu điểm: của phương án này là tránh rủi ro lớn, phù hợp với những trang trại mới thành lập, khả năng huy động vốn ít, trình độ kỹ thuật và quản lý còn hạn chế.
Nhược điểm: là thời gian xây dựng lâu, lợi nhuận không cao.
Phương án 2: Xây dựng trang trại theo hạng mục công trình, đầu tư trước, thu lợi sau.
Ưu điểm: Phù hợp với những trang trại vừa và nhỏ, không có dự tính mở rộng quy mô sản xuất. Đối với những trang trại lớn sẽ có thể cho thu lợi nhuận cao, tiết kiệm trong quá trình đầu tư.
Nhược điểm: Do đầu tư lớn nên tính rủi ro cao, khó huy động vốn đẩy đủ, cần trình độ quản lý và kỹ thuật ở mức độ cao hơn.
- Nhiệm vụ 3: Đăng ký kinh doanh: Đối với trang trại có hình thức kinh doanh kiểu doanh nghiệp cá nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần... cần phải kinh doanh để có tư cách pháp nhân. Các thủ tục đăng ký kinh doanh được hướng dẫn tại Thông tư 03/2006/TT-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đăng ký kinh doanh cơ bản phải có các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị kinh doanh (theo mẫu).
- Giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của chủ doanh nghiệp theo quy định sau: Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) còn hiệu lực của chủ doanh nghiệp tư nhân và giám đốc quản lý doanh nghiệp (nếu có).
Nếu doanh nghiệp có nhiều thành viên góp vốn thì thêm các giấy tờ sau:
- Dự thảo điều lệ công ty được tất cả các thành viên sáng lập (hoặc người đại diện ủy quyền của thành viên sáng lập là tổ chức) và người đại diện theo pháp luật ký từng trang.
- Danh sách thành viên và bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân (hộ chiếu).
IV. MÔ HÌNH “THANH NIÊN TỰ GIÚP NHAU LẬP NGHIỆP”
1. Xuất xứ mô hình: Từ khi phong trào “Thanh niên lập nghiệp” ra đời thì loại hình hoạt động “Thanh niên tự giúp nhau lập nghiệp” đã xuất hiện và phát triển. Các hình thức tự giúp nhau trong thanh niên rất phong phú: Giúp nhau về lao động; Giúp nhau về vốn và vật tử để phát triển sản xuất và xây dựng nhà của; Giúp nhau về cách thức làm ăn, kinh nghiệm sản xuất... Loại hình hoạt động này phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là trong thanh niên nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Có ba hình thức cơ bản sau:
1.1. Giúp nhau về lao động: Hình thức này đang phát triển trong thanh niên nông thôn, mang tính tự nguyện cao, qua việc giúp nhau về ngày công lao động (vần công ở phía Nam, đổi công ở phía Bắc). Nhiều thanh niên nông thôn đã có điều kiện mở rộng quy mô, sản xuất mang tính tập trung hơn và nâng cao hiệu quả. Trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta phụ thuộc vào nhiều vào thời vụ và điều kiện khí hậu thời tiết, vì vậy tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở đã thành lập được các tổ đổi công (vần công) trong thanh niên nông thôn để giúp nhau làm thủy lợi, gieo trồng và thu hoạch đúng thời vụ, vận chuyển và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp... mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện cho nhau mở rộng sản xuất.
1.2. Giúp nhau về kiến thức - kinh nghiệm làm ăn: Để sản xuất có hiệu quả, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm vào sản xuất là vấn đề có tính quyết định. Trong thời gian qua, Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, các điểm trình diễn kỹ thuật đồng thời tổ chức các hoạt động: Trao đổi kinh nghiệm, nghe giới thiệu các chuyên đề, tham quan học tập mô hình và các điểm trình diễn kỹ thuật... đã giúp thanh niên chọn ra mô hình sản xuất phù hợp. Qua các hoạt động trên, thanh niên đã tự đến với nhau để học hỏi kinh nghiệm, cách tổ chức quản lý trong sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được hình thành và nhân rộng.
1.3. Giúp nhau về vốn, vật tư để phát triển sản xuất: Tự giúp nhau về vốn (góp vốn, hùn vốn bằng tiền hoặc thóc...), vật tư sản xuất (thông qua hình thức cho vay xoay vòng, ưu tiên những thanh niên khó khăn vay trước) được các cấp bộ Đoàn chú ý chỉ đạo. Ngoài ra các nguồn vốn vay thông qua tín chấp của tổ chức Đoàn, như: Vốn 120, từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ các chương trình, dự án... nhằm phát huy nguồn nội lực và tính năng động của thanh niên, Đoàn đã tổ chức vận động được đông đảo thanh niên thông qua các nhóm (tổ) tự giúp nhau về vốn và vật tư để phát triển sản xuất (xây dựng nhà cửa đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Mô hình giúp nhau lập nghiệp trong thanh niên nông thôn thực sự phù hợp và có hiệu quả, được đông đảo thanh niên tiếp nhận, hưởng ứng. Thông qua việc được hỗ trợ vốn, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và xã hội.
2. Trình tự thành lập mô hình “Thanh niên tự giúp nhau lập nghiệp”:
Bước 1: Xác định nhu cầu thành lập mô hình
- Cần xác định rõ: Việc thành lập mô hình phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng và đem lại lợi ích chính đáng cho mỗi cá nhân tham gia.
- Người khởi xướng thành lập mô hình cần đề xuất ý tưởng với Chi đoàn, hoặc Đoàn cơ sở để có sự đồng thuận.
- Chi đoàn, hoặc Đoàn cơ sở tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu tham gia của thanh niên. Nên tập trung khảo sát ở những thanh niên có cùng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
- Dự kiến quy mô hợp lý của mô hình, tốt nhất nên xây dựng mô hình từ 7 đến 10 thành viên.
Bước 2: Công tác chuẩn bị
Sau khi đã có số lượng thành viên đăng ký tham gia mô hình, Chi đoàn, hoặc Đoàn cơ sở hỗ trợ các thành viên họp để thống nhất một số nội dung sau:
- Cử ra Tổ trưởng của mô hình để điều phối hoạt động chung;
- Thống nhất cách thức, hình thức giúp đỡ nhau, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng thành viên;
- Quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi thành viên (nên có quy định bằng văn bản);
- Quy định điều kiện tham gia và rút khỏi của mô hình.
Bước 3: Tiến hành thành lập mô hình
Tùy theo điều kiện và thống nhất của các thành viên mà tổ chức ra mắt mô hình ở quy mô nào. Tuy nhiên, nên tổ chức gọn, đơn giản, tiết kiệm, nhưng nhất thiết phải có sự tham gia của tổ chức Đoàn ở địa phương để chứng kiến những cam kết của những thành viên tham gia mô hình.
3. Nội dung hoạt động của mô hình
Khi đã tiến hành thành lập, mô hình “Thanh niên tự giúp nhau lập nghiệp” được tổ chức hoạt động trên cơ sở những nội dung sau:
- Tổ trưởng mô hình phải là người sâu sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh chung của các thành viên;
- Mọi thông tin trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mỗi thành viên (thuận lợi, khó khăn) phải được thông tin kịp thời tới tổ trưởng mô hình, cụ thể:
+ Vấn đề kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh;
+ Nhu cầu về vốn;
+ Nhu cầu về thị trường tiêu thụ sản phẩm;
+ Cần sự giúp đỡ về ngày công, phương tiện,...
- Khi có đủ thông tin và thấy cần thiết, Tổ trưởng mô hình triệu tập các thành viên để thống nhất cách giải quyết, giúp đỡ lẫn nhau.
- Lưu ý: Sự lớn mạnh của mô hình có được hay không, chính là sự trung thực và nhiệt huyết của mỗi cá nhân tham gia.
Nguồn: website http://tinhdoanquangtri.gov.vn/bai-viet-2684